Hoàng đế Đại Việt Trần_Minh_Tông

Ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần (tức ngày 3 tháng 4 năm 1314), Trần Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Mạnh. Thái tử 14 tuổi lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Ninh Hoàng (寧皇), tôn Anh Tông làm Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái thượng hoàng đế và tôn Thuận Thánh Hoàng hậu (chính cung của Anh Tông) làm Thuận Thánh Bảo Từ Thái thượng hoàng hậu. Các quan dâng Hoàng đế tôn hiệu là Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế (體天崇化欽明睿孝皇帝). Sử sách gọi ông là Trần Minh Tông (陳明宗).[16] Sứ thần nhà Nguyên đến dự lễ đăng quang của Minh Tông, đã khen ông có hình dáng nhẹ nhàng như thần tiên.[17]

Trong thời trị vì của mình, Trần Minh Tông đã dùng các niên hiệu Đại Khánh (大慶 3 tháng 4 năm 131427 tháng 1 năm 1324) và Khai Thái (開泰 27 tháng 1 năm 132415 tháng 2 năm 1329).[18][19]

Chính sách trị nước

Tháng 5 âm lịch năm 1315, Trần Minh Tông ra lệnh cấm cha con, vợ chồng và gia nhân kiện tụng nhau.[20] Theo Ngô Sĩ Liên, quyết định này xuất phát từ sự trân trọng của ông đối với tổ tiên, cha mẹ và bà con: " Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với Thượng phụ, Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh vương... Lại các tên của chú bác, cô cậu, khi nói đến vẫn kiêng cả. [Vua] có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung phi".[9]

Trong 6 năm đầu triều Minh Tông, Thượng hoàng Anh Tông vẫn có ảnh hưởng lớn đến các quyết sách nhà nước. Mùa xuân năm 1320, thượng hoàng mất ở tuổi 44.[21] Linh cữu thượng hoàng được rước từ phủ Thiên Trường (Nam Định) về cung Thánh Từ (Thăng Long) theo đường thủy. Theo phép tắc nhà Trần, Bảo Từ Thái hậu là chính cung của Anh Tông, nên được đi thuyền có 8 dây kéo; trái lại, mẹ Minh Tông là Huy Tư Hoàng phi chỉ được đi thuyền có 2 dây. Để lấy lòng Minh Tông, viên chỉ huy quân cấm vệ đã buộc thêm dây vào thuyền Huy Tư.[22] Tướng Trần Hựu ngăn lại và rút gươm chém đứt dây kéo. Minh Tông không những không phạt mà còn khen Trần Hựu là người trung nghĩa.[23]

Về giáo dục-khoa cử, hoàng đế đã hai lần tổ chức thi Thái học sinh (lần đầu vào tháng 10 âm lịch năm 1314; lần tiếp theo là tháng 8 âm lịch năm 1323) để tìm người tài giúp nước. Những thí sinh đỗ đạt được giữ chức Bạ thư lệnh. Hoàng đế sai Cục chính viên Nguyễn Bính tập huấn cho các Bạ thư lệnh, sau đó mới bổ nhiệm họ vào những chức vụ cao cấp.[16][19][24][25] Ngoài ra, vào tháng 10 âm lịch năm 1321, Minh Tông tổ chức kỳ thi tuyển tu sĩ Phật giáo, lấy kinh Kim Cương làm nội dung thi.[23]

Trần Minh Tông cũng chú trọng việc thúc đẩy nông nghiệp phát triển.[3] Mùa hạ năm 1315, nước sông Hồng dâng cao, hoàng đế đến tận nơi xem sửa chữa đê. Quan ngự sử đã khuyên ông chỉ nên ở cung mà "tu dưỡng đức hạnh" nhưng hoàng đế không nghe.[9][20] Minh Tông còn tích cực ngăn chặn người quyền thế chiếm ruộng của dân.[25][3] Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi lại: Trần Thị Thái Bình là một cung nữ của Anh Tông, đã nhiều lần xâm chiếm đất ruộng của nông dân. Năm 1317, một trong những người mất ruộng đã đệ đơn kiện lên Minh Tông. Để tránh gây mất mặt cho Thái Bình (và cho thượng hoàng), nhà vua không sai cơ quan tư pháp xét xử; thay vì đó, ông xuống chiếu cho con rể Thái Bình là Uy Giản hầu trả ruộng đất cho người kiện. Uy Giản đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh. Sau khi Trần Thị Thái Bình mất, Minh Tông và Uy Giản phục hồi toàn bộ số ruộng bị cưỡng chiếm cho các chủ cũ.[26] Cũng theo Toàn thư, Minh Tông đã ban bố các chính sách như "những người tranh nhau ruộng đất, nếu khám xét thấy không phải của mình mà cố tranh bậy thì bị truy tố, tính giá tiền ruộng đất, bắt đền gấp đôi. Nếu làm văn khế giả, thì bị chặt một đốt ngón tay bên trái" (tháng 10 âm lịch năm 1320[22]) và "khi tranh ruộng mà ruộng có lúa, thì hãy chia làm 2 phần, bồi thường cho người cày 1 phần, còn 1 phần lưu lại" (1323).[25]

Nhà Trần ở thời đầu trao rất nhiều quyền lực chính trị, xã hội cho các tôn thất hoàng gia. Các tôn thất như Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư,... đóng vai trò rất lớn trong việc lãnh đạo quân dân đánh bại quân Nguyên xâm lược các năm 1285, 1287-88. Tuy nhiên, sang thời Anh Tông và đỉnh điểm là Minh Tông, thế hệ tôn thất-công thần này suy giảm do già (Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư,...) và chết (Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn,...), thế hệ sau họ không có nhiều hứng thú đến việc chính sự. Do vậy, Hoàng đế Minh Tông lệ thuộc nhiều hơn đến các văn sĩ Nho học xuất thân bình dân, có học thức và đỗ đạt các kỳ thi quốc gia.[27] Ông cất nhắc hàng loạt văn thần có tài như Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Bùi Mộc Đạc, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu,… vào những chức vụ lớn.[10][5] Thời kỳ trị vì của Minh Tông được sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá là "lúc nhân tài [Nho học] thịnh nhất hơn triều các vua khác".[28] Bản thân Minh Tông là một cư sĩ Phật giáo mộ đạo, nhưng ông sử dụng các nho sĩ vì năng lực và lòng trung thành của họ.[29]

Tuy vậy, Minh Tông không để những người này vượt qua khuôn phép nhà nước: Trương Hán Siêu khi làm Hành khiển từng bị phạt 300 quan tiền vì ỷ được vua tin yêu, vu cáo hình quan Phạm Ngộ, Lê Duy ăn đút lót; Đoàn Nhữ Hài từng bị phạt vì không ngăn Thiếu bảo Trần Khắc Chung đùa giỡn khi sét đánh lăng tẩm tiên đế.[30] Ông cũng từng bác bỏ đề xuất của một số Nho thần nhằm thay đổi chế độ chính trị-xã hội cho giống với Trung Quốc.[27]

Đối với người tôn thất không có tài như Bảo Vũ vương, nhà vua rất yêu mến, nhưng không vì vậy mà cho làm chức lớn.[31]

Năm 1323, Trần Minh Tông quy định quân đội phải tuyển người béo trắng; từ đây, binh lính Đại Việt không còn xăm hình rồng ở đùi và lưng nữa.[25][24]

Chiến tranh với Chiêm Thành

Đầu triều Trần Minh Tông, bang giao giữa Đại Việt và Nguyên-Mông khá ổn định; song ở phía Nam, quan hệ với Chiêm Thành diễn ra căng thẳng. Trong chiến dịch tấn công Chiêm năm 1312, Trần Anh Tông đã bắt sống vua Chiêm Chế Chí, rồi lập em Chế Chí là Chế Năng làm vua chư hầu nhà Trần.[32][33] Năm 1314, nhân lúc Minh Tông lên ngôi, Chế Năng lập mưu chiếm lại hai châu Thuận, Hóa (mà người Chiêm gọi là Ô, Lý) và thoát sự lệ thuộc vào Đại Việt.[34][33] Quân Chiêm Thành thường kéo sang quấy phá biên giới.[32]

Năm 1318, Trần Minh Tông sai Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn mở chiến dịch tấn công Chiêm Thành. Quân Đại Việt ban đầu bị thất lợi; tôn thất nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến thiệt mạng.[35] Nhưng sau đó, đạo quân Thiên Thuộc do Phạm Ngũ Lão chỉ huy đã đột kích vào lưng địch, đánh tan tác quân Chiêm và buộc Chế Năng phải trốn sang đảo Java (Indonesia). Trần Quốc Chẩn xin Minh Tông lập tù trưởng Chế A Nan làm vua chư hầu ở Chiêm, rồi đem quân trở về.[33] Sau chiến thắng, Minh Tông ban tước Quan nội hầu và tặng binh phù hình rùa (phi ngư phù) cho Phạm Ngũ Lão, rồi phong con Phạm Ngũ Lão làm quan.[35]

Sau khi quân nhà Trần rút lui, Chế A Nan tăng cường cống nạp cho nhà Nguyên, đồng thời thuyết phục vua Nguyên hỗ trợ Chiêm giành tự chủ khỏi Đại Việt. Năm 1324, Nguyên Anh Tông sai sứ sang dụ Minh Tông phải tôn trọng chủ quyền của Chiêm Thành.[33] Lo sợ mất chư hầu về tay nhà Nguyên, Minh Tông sai Huệ Túc vương Trần Đại Niên tấn công Chiêm lần hai năm 1326. Quân của Chế A Nan đã đánh bại được quân Trần Đại Niên.[34][33] Mặc dù nhà Trần không chính thức thừa nhận, thắng lợi này đã giúp Chiêm Thành giành quyền tự trị, không còn bất cứ sự liên đới nào với Đại Việt.[33] Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Minh Tông đã quy trách nhiệm thất bại cho chính bản thân mình; ông nói:[30]

"Tiên đế tắm mưa gội gió mới bắt được chúa nước nó. Quốc phụ là một trọng thần, phụng mệnh đi đánh, khiến chúa nước giặc là Chế Năng phải chạy sang nước khác… Nay Huệ Túc chỉ là một vương thôi, uy vọng không thể sánh với Quốc phụ, thế mà ta cứ ở yên trong cung, trao cho chuyên việc đánh dẹp, muốn bắt sống chúa nó thì làm nổi chăng?".

Vụ án Trần Quốc Chẩn

Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn (陳國瑱) là con trai thứ của Trần Nhân Tông, em của Anh Tông và là chú của Minh Tông. Không những thế, Quốc Chẩn có con gái là Huy Thánh Công chúa được lập làm hoàng hậu của Minh Tông, tức Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu. Tháng 4 âm lịch năm 1324, Minh Tông bổ nhiệm Trần Quốc Chẩn làm Quốc phụ Thượng tể, trên cả ngạch Tể tướng.[36][37]

Năm 1328, Minh Tông đã làm vua được 15 năm, tuổi khá cao mà chưa lập được Thái tử.[36] Mặc dù các thứ phi đã sinh được các hoàng tử Trần Vượng, Trần Nguyên Trác, Trần Phủ nhưng Hiến Từ Hoàng hậu vẫn chưa sinh được con trai. Triều đình bấy giờ chia làm hai phái: phe của Trần Quốc Chẩn muốn Minh Tông đợi bằng được đến khi hoàng hậu sinh con trai, rồi mới lập Thái tử.[36][38][37] Đây là lệ trước giờ của nhà Trần, vốn không lập con của người khác họ lên ngôi, mà đều lập con của các hoàng hậu, hoàng phi có xuất thân trong hoàng gia, cốt là để tránh họa ngoại thích mà bản thân họ Trần đã dùng khi thay ngôi nhà Lý. Trái lại, phe của Cương Đông Văn Hiến hầu (con hoặc em của Tá thánh Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật) và Thiếu bảo Trần Khắc Chung ủng hộ lập con của Quý phi Lê thị là Vượng làm thái tử. Khắc Chung cùng quê Giáp Sơn (Kinh Môn) với quý phi họ Lê, và từng là thầy học của Hoàng tử Vượng.[36][38][37]

Để hạ bệ Hiến Từ Hoàng hậu, Cương Đông Văn Hiến hầu đã đưa 100 lạng vàng cho gia nô của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, rồi xúi giục Phẫu tố giác với Minh Tông rằng Quốc Chẩn có ý mưu phản.[36][38][37] Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh bắt giam Quốc Chẩn vào chùa Tư Phúc trong hoàng thành Thăng Long, rồi xin ý kiến Trần Khắc Chung về vấn đề này.[36][38][37] Khắc Chung đã thuyết phục Minh Tông rằng "bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó". Nghe lời Khắc Chung, Minh Tông truyền bắt Quốc Chẩn phải tuyệt thực. Tháng 3 âm lịch năm 1328, Trần Quốc Chẩn chết, hàng trăm người khác cũng bị bắt vì có liên quan với Quốc Chẩn. Từ đây, ngôi Thái tử thuộc về Trần Vượng. Sử quan triều Lê Ngô Sĩ Liên có nhận xét về việc này:[36][38][37]

Ngôi thái tử là gốc của nước, không thể không lập sớm. Phận chính đích không thể để chi thứ phạm bừa. Vua ở ngôi đã lâu, con thứ đã lớn rồi mà con chính đích chưa sinh, thì làm thế nào? Tòng quyền là phải. Đợi con đích là chấp kính, lập con thứ là tòng quyền. Đến khi con đích sinh ra, lớn lên, thì gia phong cho con thứ tước vương, còn ngôi thái tử trả về con đích, ai bảo là chẳng nên?

Có người hỏi rằng: "Lỡ có chuyện không lành, vua cha mất trước thì nguy lắm".

Xin thưa: Hãy chăm chú vào lời dạy thường ngày, nhận rõ lấy những lời trong di chiếu, chọn người bề tôi xã tắc, ủy cho việc gửi gắm con côi, thì không có lo gì. Huống chi Minh Tông chính mình ở vào cảnh ấy rồi, tất nhiên có thể xử trí được ổn thỏa. Quốc Chẩn là người cố chấp không linh hoạt, để cho kẻ gian thần thừa dịp gieo vạ, đáng thương thay.

— Ngô Sĩ Liên

Một thời gian sau, hai người vợ Trần Phẫu ghen nhau, bèn tố giác việc Phẫu nhận vàng của Văn Hiến hầu lên Minh Tông. Hoàng đế sai bắt giam Phẫu. Ngay ngày hôm đó, ngục quan Lê Duy tiến hành xét xử, khép Phẫu vào tội lăng trì. Bản án chưa kịp thi hành thì gia nô của Thiệu Võ, con trai Trần Quốc Chẩn, đã giết Phẫu làm thịt. Minh Tông tha chết cho Văn Hiến hầu, nhưng xoá tên khỏi hoàng gia và giáng làm thứ dân.[36]

Theo sử gia Hoa Kỳ K. W. Taylor trong sách A History of the Vietnamese (2013), Trần Minh Tông về cuối đời thường bị ám ảnh về việc không ngăn chặn cái chết của Trần Quốc Chẩn. Việc Trần Quốc Chẩn bị xử tử đã chấm dứt sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau trong hoàng tộc Trần – vốn là sức mạnh của các triều vua trước. Taylor viết: "Trần Mạnh từ đây trở thành một vị vua cô độc. Sự khuyên bảo từ các tôn thất cao niên và sự phục vụ trung thành từ các tôn thất trẻ trở nên suy giảm, như chưa từng có đối với một ông vua Trần".[39]